Monday, 16/07/2018, 10:52 GMT+7
Bệnh nhân bị nhược cơ nặng, phải thở oxy, nếu phẫu thuật nội soi hay mổ hở sẽ không thể nạo sạch tuyến ức, trị dứt điểm căn bệnh này. Cuối cùng các bác sĩ đã sử dụng robot (người máy) nạo sạch thành công tuyến ức, trị dứt điểm căn bệnh nhược cơ. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh nhược cơ được điều trị bằng robot.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang sử dụng robot phẫu thuật lấy tuyến ức để điều trị căn bệnh nhược cơ cho bệnh nhân Phan Thị Mỹ N. (34 tuổi, quê ở Vĩnh Long) - Ảnh: PV
Chiều 13.7 PGS BS Vũ Hữu Vĩnh - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay bệnh viện vừa chữa trị thành công một trường hợp mắc bệnh nhược cơ tồn tại ở tuyến ức bằng robot. Đây là ca mắc bệnh nhược cơ đầu tiên tại Việt Nam được điều trị bằng robot.
“Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, ổn định hoàn toàn và có thể xuất viện trong vài ngày tới”, bác sĩ Vĩnh cho hay.
Theo bác sĩ Vĩnh, cách đây khoảng 2 năm, bệnh nhân Phan Thị Mỹ N. (34 tuổi, quê ở Vĩnh Long) được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng sụp mí mắt, yếu các cơ vùng vai, khó thở... Sau khi tiến hành thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân N. bị nhược cơ II A tồn tại tuyến ức. Bệnh nhân được cho thở máy và điều trị nội khoa căn bệnh này trong gần 2 năm qua.
Tuy nhiên, muốn điều trị đứt điểm căn bệnh trên theo bác sĩ Vĩnh phải mổ cắt tuyến ức, nếu cắt sạch tuyến ức thì điều trị triệt để căn bệnh này.
Trước đây, việc mổ hở hay mổ nội soi, chỉ cắt được khoảng 80% đến 90%, thậm chí những phẫu thuật viên non tay chỉ lấy được 60% đến 70% tuyến ức nên bệnh nhân chỉ có giảm, chứ không giải quyết triệt để được căn bệnh này.
“Để nạo sạch tuyến ức của bệnh nhân chỉ có sử dụng robot. Với độ linh hoạt của robot những ngóc ngách rất sâu của tuyến ức sẽ được lấy sạch. Trong ca mổ của bệnh nhân N. chúng tôi rất bất ngờ, khi toàn bộ tuyến ức được lấy sạch”, bác sĩ Vĩnh chia sẻ và khẳng định hiện nay chỉ có phương pháp robot mới xử lý dứt điểm căn bệnh nhược cơ này. Đối với bệnh nhược cơ, mổ robot là số 1 và chỉ có mổ robot mới xử lý triệt để.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Anh Quang - Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy trước đây phần lớn các trường hợp mắc bệnh nhược cơ ở độ tuổi trẻ, trong đó nữ giới cao gấp 3 lần so với nam giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh này đã xuất hiện ở những người lớn tuổi hơn, từ 40 đến 50 tuổi, thậm chí 60 tuổi vẫn mắc bệnh nhược cơ.
Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy căn bệnh nhược cơ này có liên quan đến yếu tố môi trường hay di truyền. Đây chỉ là bệnh tự mắc phải.
Bác sĩ Quang cũng cho biết sở dĩ bệnh nhân mắc bệnh nhược cơ là do chất dẫn truyền thần kinh bị nghẽn lại. Khi mắc phải căn bệnh này, bệnh nhân bị sụp mí mắt và sẽ tăng dần, theo đó các cơ ở vùng vai và vùng tay bị yếu, rối loạn vận động não, nặng hơn là thở không nổi. Vì lúc này các cơ ở vùng ngực như: cơ hô hấp, cơ hoành, cơ liên sườn... không hoạt động được nên bệnh nhân không thở nổi phải thở máy dẫn đến nguy cơ tử vong.